Book review: "Dặm dài đã qua – Hồi ức của một chiến binh trẻ em"
Publishing date:
October 14, 2021
October 26, 2021

["DẶM DÀI ĐÃ QUA – HỒI ỨC CỦA MỘT CHIẾN BINH TRẺ EM" - ISHMAEL BEAH từ Diệu Quỳnh]

Nghe tên cuốn sách có vẻ nặng nề, và đúng vậy, khi đọc cuốn sách, tôi như lạc vào từng giây phút giữa máu me, khói thuốc, tim đập chân run cùng với nhân vật, nhưng sau tất cả, tôi tìm thấy những tia sáng hạnh phúc, một niềm yêu cuộc sống ngập tràn sau khi đóng lại cuốn sách này. Và đây là cuốn sách mà tôi tâm đắc, vừa nhân văn, vừa nghệ thuật, có cả nước mắt, và cả nụ cười.

Dặm dài đã qua là cuốn hồi ký kể về cuộc đời của Ishmael Beah, từng là một chiến binh trẻ em trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone vào những năm 1990.

Sinh ra trong một thị trấn nhỏ với cuộc sống vô cùng bình thường và giản dị, gia đình có ba anh em, Beah cũng đến trường, được học các tác phẩm của Shakespeare, được tham gia nhóm nhảy hiphop. Những cuộc chiến hay cuộc xung đột trước nay chỉ nghe đâu đó qua báo đài sách vở, tưởng chừng không bao giờ ập đến thị trấn bình yên nơi Beah sinh sống, thì đến một ngày, nó đã hiện hữu. Trong một đợt cùng nhóm bạn đi tham gia cuộc thi nhảy hiphop, một cuộc nội chiến đã ập đến nơi nhóm nhảy của Beah đang chuẩn bị dự thi và nơi gia đình của Beah đang ở, lúc đó cậu 12 tuổi. Từ đó cậu bị lạc mất gia đình và phải cùng với các bạn chạy trốn khỏi bọn quân phiến loạn đang truy đuổi từng đêm để tìm nơi trú ẩn và miếng ăn để sinh tồn. Suốt cuộc hành trình đó, có trộm cắp, có nỗi đau khi bạn bè ngã xuống, có nỗi nhớ nhà, có sự lạc lõng trước những nghi kị, xua đuổi của dân làng.

Chạy trốn suốt một năm và cuối cùng quân đội chính phủ tuyển Beah và các bạn trạc tuổi và nhỏ tuổi hơn Beah vào quân đội. Quân đội huấn luyện để Beah và các bạn trở thành những chiến binh cầm súng giết người. Quá trình huấn luyện vô cùng khắc nghiệt. Ngay từ ngày đầu tiên, nếu ai không làm theo hướng dẫn, người đó bị bắn chết ngay trước mặt những người khác. Cứ trước mỗi trận chiến, bọn trẻ lại được cho dùng ma túy để kích thích con quỷ trong các em. Không có một khoảng trống để đặt dấu chấm hỏi hay suy nghĩ liệu việc tham gia quân đội có đúng đắn hay không. Và thực ra, các em không có sự lựa chọn, không có quyền lựa chọn. Hơn thế nữa, các em đều là những đứa trẻ, trong hoàn cảnh không biết người thân còn sống hay đã chết, không có nơi đâu để đi về, không có thức ăn để sinh tồn, các em đều trở nên dễ bị điều khiển hơn bao giờ hết. Quân đội tẩy não các em, khiến các em tin rằng cái chết của quân phiến loạn sẽ bù đắp cho cái chết của gia đình mình. Và rồi, lật giở từng trang sách, tôi cũng quên rằng cậu bé Beah thích nghe nhạc rap, thích ngắm sao ngắm trăng, giờ chỉ biết lấy số người mà mình giết được là thành tựu, và trong đầu chỉ có ý nghĩ trả thù.

Rất may mắn, Beah đã được UNICEF giải cứu và được gửi đến trại cải tạo của UNICEF. Một nửa cuốn sách kể về quá trình cai nghiện, luyện tập để hòa nhập cuộc sống. Chặng đường trở lại ấy cũng đau đớn vô cùng. Beah phải học cách sống với quá khứ, học cách để ngủ mà không gặp ác mộng mỗi khi nhắm mắt, học cách tin tưởng người khác, không xem người đối diện là kẻ thù. Có một điều, sau khi phục hồi, được nói chuyện những bạn trẻ trong trại cải tạo từ các nhóm quân khác, Beah nhận ra thì ra tất cả những nhóm quân đều tiêm vào đầu thành viên những điều tương tự, rằng họ đang làm điều đúng đắn… Beah và các chiến binh trẻ em khác được gặp gỡ nhau sau cuộc chiến chính là số ít giữ được mạng sống, chỉ có điều, tuổi thơ của họ đã mất đi mãi mãi.

Tôi cảm thấy vinh hạnh vì đã được đọc cuốn sách này và được biết đến tác giả, một tâm hồn hóm hỉnh, dũng cảm và thông minh. Tôi thầm cám ơn vì tác giả được sống và kể lại dặm dài đã qua ấy, để tôi được hiểu và có cái nhìn rộng hơn, bao dung hơn về một phần của thế giới rộng lớn này. Và tôi mỉm cười biết ơn vì những gì tôi đang có.

Back to firm news
Contact
No items found.
Related firm news
No items found.
Subscribe
Thank you! Your submission has been received!
Oops! Something went wrong while submitting the form.