Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, các nguyên tắc Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, ESG không còn là “lựa chọn” hay “khẩu hiệu” mà đã trở thành “xu thế tất yếu” và là “yêu cầu” đối với doanh nghiệp. ESG không chỉ đơn thuần là sự tuân thủ, mà còn là việc thiết lập một tiêu chuẩn kinh doanh mới, mở ra cánh cửa thu hút nguồn vốn đầu tư "xanh" và tăng cường mạnh mẽ tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai ESG, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin hoặc hướng dẫn phù hợp để thực hiện hiệu quả.
ESG trong bối cảnh pháp lý Việt Nam
Về tổng quan, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các cam kết quốc tế quan trọng như COP26 và cam kết Net Zero, đồng thời ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các nhà xuất khẩu, doanh nghiệp FDI và công ty niêm yết, đang chịu áp lực đáng kể từ thị trường quốc tế để tuân thủ các chuẩn mực ESG.
Các trụ cột "E" (Môitrường), "S" (Xã hội) và "G" (Quản trị) của ESG đã hiện hữu mạnh mẽ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cho mục đích tham khảo, khung pháp lý các trụ cột “E” Môi trường “S” xã hội “G” quản trị được nêu tại phần cuối của bài viết này.
Thách thức và Cơ hội cho Doanh nghiệp Việt Nam
Mặc dù ESG mang lại nhiều lợi ích, nhưng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các SME, vẫn đối mặt với những thách thức đáng kể. Nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ hoặc đánh giá thấp tầm quan trọng của ESG. Việc chuyển đổi để tuân thủ ESG có thể đòi hỏi đầu tư ban đầu về công nghệ, hệ thống quản lý và đào tạo dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp còn engại trong việc áp dụng. Ngoài ra, việc thiếu các công cụ, chuẩn mực đo lường và báo cáo ESG thống nhất, đặc biệt ở cấp độ quốc gia, cũng là một rào cản đối với việc doanh nghiệp tuân thủ ESG.
Tuy nhiên, nhìn ở góc tích cực, việc tích hợp ESG không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược thông minh giúp doanh nghiệp Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỷ nguyên mới. Cụ thể, tuân thủ ESG mở ra vô vàn cơ hội cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư “xanh” và nguồn tài chính bền vững: Nhà đầu tư và tổ chức tài chính ngày càng ưu tiên các doanh nghiệp có chiến lược ESG rõ ràng. Rất nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn, đã xây dựng những tiêu chí ESG minh bạch và chặt chẽ trong danh mục đầu tư của họ. Điều này có nghĩa là, những doanh nghiệp chưa có lộ trình hoặc cam kết về ESG sẽ bị hạn chế đáng kể về lợi thế cạnh tranh khi tìm kiếm nguồn vốn, thậmchí có thể bị loại khỏi tầm ngắm của các nhà đầu tư chú trọng phát triển bền vững. Ngược lại, các doanh nghiệp tiên phong trong ESG sẽ mở ra cánh cửa tiếp cận các dòng vốn "xanh" với điều kiện ưu đãi hơn.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc đáp ứng các yêu cầu ESG của chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam tham gia và giữ vững vị thế. Các đối tác và khách hàng quốc tế ngày càng chú trọng đến nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất có trách nhiệm xã hội và môi trường. Doanh nghiệp tuân thủ ESG sẽ dễ dàng thu hút các đối tác nước ngoài khó tính, mở rộng thị phần tại các thị trường phát triển và xây dựng hình ảnh thương hiệu đáng tin cậy trên trường quốc tế.
Thứ ba, thu hút và giữ chân nhân tài chất lượng cao: Trong thời đại hiện nay, giá trị và văn hóa doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân người lao động. Một môi trường làm việc công bằng, an toàn, minh bạch và có trách nhiệm xã hội không chỉ tạo dựng sự gắn kết mà còn hấp dẫn những nhân tài hàng đầu. Người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ, có xu hướng ưu tiên làm việc cho các công ty thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với các giá trị ESG, coi đó là một phần của sự phát triển nghề nghiệp và ý nghĩa cá nhân.
Thứ tư, giảm thiểu rủi ro pháp lý và bảo vệ danh tiếng thương hiệu: Việc chủ động tuân thủ các quy định về môi trường, lao động và quản trị doanh nghiệp theo chuẩn ESG giúp doanh nghiệp phòng ngừa hiệu quả các vụ kiện tụng, tránh những khoản phạt vi phạm tốn kém và bảo vệ hình ảnh thương hiệu khỏi cácrủi ro về danh tiếng. Trong thời đại thông tin lan truyền nhanh chóng, một sự cố liên quan đến ESG có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín và giá trị thị trường của doanh nghiệp. Tuân thủ ESG chính là xây dựng một “tấm khiên” vững chắc cho doanh nghiệp trước những rủi ro này.
Thứ năm, góp phần phát triển bền vững cho cộng đồng và môi trường: Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc tuân thủ ESG thể hiện cam kết và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để doanh nghiệp đóng góp tích cực vào việc giải quyết các thách thức xã hội và môi trường, từ đó tạo ra giá trị chung cho toàn xã hội.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp: Hành động để vượt trội với ESG
Để thực sự nắm bắt các cơ hội to lớn mà ESG mang lại và biến những thách thức thành lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp nên cân nhắc một chiến lược tiếp cận chủ động và bài bản. Dưới đây là một số khuyến nghị:
Không xem ESG là gánh nặng, mà là cơ hội và lợi thế cạnh tranh chiến lược: Thay vì coi ESG như một gánh nặng chi phí hay một yêu cầu tuân thủ đơn thuần, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để nhận diện đây là một yếu tố then chốt giúp tối ưu hóa hoạt động, giảm thiểu rủi ro, và tạo ra giá trị bền vững trong dài hạn. Việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh cốt lõi không chỉ giúp doanhnghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, mà còn mở ra những cơ hội mới để đổi mới, thu hút nguồn vốn xanh và tăng cường khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Bắt đầu từ “S” (Xã hội) và “G” (Quản trị) – Những bước đi thiết thực đầu tiên: Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) còn hạn chế về nguồn lực và kiến thức về ESG, việc khởi đầu có thể trở nên dễ dàng hơn bằng cách tập trung vào hai trụ cột “S” và “G”. Đây là hai khía cạnh mà doanh nghiệp có thể triển khai ngay lập tức bằng cách rà soát và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật lao động hiện hành, đảm bảo các chính sách lao động phù hợp và tuân thủ, tạo ra một môi trường làm việc công bằng, an toàn và không phân biệt đối xử.
Tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức toàn diện: Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc triển khai ESG tại Việt Nam là sự thiếu hiểu biết hoặc đánh giá thấp tầm quan trọng của nó, đặc biệt ở các SME. Do đó, việc tăng cường đào tạovà nâng cao nhận thức cho toàn bộ đội ngũ, từ lãnh đạo cấp cao đến nhân viên vận hành, là vô cùng cần thiết..
Chủ động báo cáo minh bạch và hiệu quả: Dù việc công bố thông tin ESG chưa bắt buộc với tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhưng việc chủ động và minh bạch trong báo cáo ESG là một chiến lược then chốt để xây dựng niềm tin và uy tín. Doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng việc công bố các thông tin liên quan đến quản trị doanh nghiệp, sử dụng năng lượng, nước, phát thải khí nhà kính và tuân thủ luật môi trường và lao động, từ đó giúp thể hiện trách nhiệm và bằng chứng cụ thể cho cam kết bền vững của doanh nghiệp.
Việc hiểu đúng và triển khai ESG hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định, mà còn kiến tạo giá trị bền vững và nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Liên hệ với LNT&Partners nếu quý doanh nghiệp cần danh sách tổng hợp một số văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến ESG tại Việt Nam.
Luật sư Điều hành
Hòa giải viên được CEDR công nhận/ Hòa giải viên VMC